Một số nguyên nhân khác như bệnh như chấn thương vùng cổ tay, viêm đa dây thần kinh, viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cũng gây hội chứng ống cổ tay.
Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Dấu hiệu ban đầu là tê tay, tê ở gan bàn tay, cùng với ngón trỏ và ngón giữa (vùng dây thần kinh giữa chi phối cảm giác). Hay gặp nhất là người bệnh chỉ thấy tê ngón trỏ và ngón giữa. Tuy nhiên cũng có những trường hợp người bệnh cảm thấy tê ở tất cả các ngón tay, và tê nhiều hơn ở hai ngón trỏ và giữa. Tê tay thường xuất hiện khi cử động bàn ngón tay như: cầm nắm dụng cụ lao động lâu; lái xe máy đi xa, có khi đang đi xe phải dừng lại và vẩy tay mấy cái cho đỡ tê rồi mới đi tiếp được; có khi tê tay xuất hiện trong lúc nghỉ ngơi như khi đang ngủ bị thức giấc vì tê và đau tay, người bệnh phải dậy đi lại và vẩy tay một lúc cho đỡ tê mới ngủ tiếp.
Thời gian đầu, bệnh chỉ xuất hiện ở một tay và thường là ở tay thuận hay làm động tác lắc cổ tay. Nhưng về sau có thể tay bên kia cũng bị tê. Khi khám bệnh, dùng búa cao su gõ vào cổ tay, người bệnh thấy tê lan xuống các ngón tay, gọi là dấu hiệu tinnel.
Nếu sau một thời gian không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng gây rối loạn vận động, tay cử động yếu và teo khối cơ ô mô cái. Nếu cố làm động tác quá gấp hay quá ưỡn cổ tay thấy các triệu chứng tê tay và đau tăng lên. Hội chứng ống cổ tay không những gây chứng tê tay mà còn làm teo bàn tay nếu để muộn. Muốn chẩn đoán chính xác hội chứng ống cổ tay người ta sử dụng phương pháp đo điện cơ. Một công trình nghiên cứu trong nước đã xác định những tiêu chuẩn chẩn đoán phù hợp với người Việt Nam và hiện đã áp dụng ở một số bệnh viện. Máy đo điện cơ cũng đã được trang bị ở nhiều bệnh viện.